Đình Bình Thủy nằm trên một khu đất rộng diện tích chiếm khoảng hơn 5.000m2, cách trung tâm thành phố Cần Thơ 5 cây số, nằm bên dốc cầu Bình Thủy trên tuyến quốc lộ 91.
Đình được xây cất trên mặt bằng cao ráo, thoáng rộng, mát mẻ, trước cổng Tam quan có đề hàng chữ Hán to: “Long Tuyền Cổ Miếu”, còn gọi là đình Bình Thủy, một di tích kiến trúc nghệ thuật xưa nhất ở Nam bộ được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1989.
Ngôi đình được xây theo dáng hình chữ nhất, trên nóc được thiết kế cặp rồng uốn lượn tranh lấy trái châu (lưỡng long tranh châu).
Các gác mái đình được chạm trổ hình bát tiên, các con vật trong kiến trúc đền, chùa lăng tẩm, miếu mộ: Qui - phượng - hạc... rất sinh động. Cũng cần biết qua ý nghĩa các vật linh như: Qui là loài bò sát lưỡng cư có tuổi thọ cao, nhịn ăn uống lâu ngày mà vẫn sống nên được coi là con vật thanh cao, thoát tục, nhằm tượng trưng cho sự trường tồn và bất diệt. Hình tượng qui đội bia tiến sĩ còn lưu giữ nơi Văn Miếu Quốc Tử Giám là biểu hiện nền văn hiến của dân tộc Việt Nam. Chim phượng là báo hiệu sự thái hòa an lạc, kết tinh vẻ đẹp mềm mại thanh lịch duyên dáng trong các loài chim, tượng trưng cho nữ tính của tầng lớp quý tộc. Chim hạc, biểu thị sự hài hòa vũ trụ giữa âm - dương, tạo nên lòng chung thủy, tương trợ trong lúc thịnh suy.
Trên các thanh xà dưới mái đình, một số hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng, từ trước đến sau trông uy nghi cổ kính.
Tại chánh điện, thờ hai tượng thần: Ông Ác- Ông Thiện đứng giữa hai hàng Lỗ bộ (loại binh khí ngày xưa, trông oai nghi đường bệ). Trước bàn thờ, có bộ đỉnh đồng to đặt trang trọng giữa cặp hạc đồng thẳng đứng. Chỗ bệ thờ to rộng ngay gian giữa là chân dung các vị thần Phúc Đức với phong thái trầm mặc. Đồng thời, đình còn thờ các anh hùng liệt sĩ có công làm rạng rỡ đất nước như Đức Trần Hưng Đạo - Phan Bội Châu - Bùi Hữu Nghĩa... Đặc biệt tại bàn thờ Hậu hiền gần nhà khách có thờ chân dung Bác Hồ.
Phương pháp bố cục thờ tự ngăn nắp hài hòa giữa các mảng đề tài trang trí rất đa dạng và phong phú qua các đường nét, màu sắc tinh tế tạo cho cảnh quan ngôi đình một nét sinh động, tôn nghiêm nổi bật trên nền trời xanh.
Đáo lệ đình có 2 lễ hội Kỳ Yên rất lớn: Lễ Thượng Điền là lễ hộ lớn nhất trong năm diễn ra vào các ngày: 12, 13, 14-4 âm lịch. Trong các ngày lễ, dân làng tề tựu, tham dự đông đảo, có những dân làng đi làm ăn xa, nhớ ngày cũng hội về dự lễ, có cờ hoa rực rỡ, đèn đuốc sáng choang, khói nhang ngút ngàn. Những tuồng hát cổ mang tính truyền thống dân tộc, đặc sắc được trình diễn liên tục cho đến khi chấm dứt lễ hội. Còn lễ “Hạ Điền chỉ tổ chức 1 ngày nhằm ngày 14 tháng Chạp hàng năm vẫn theo nghi lễ: Chánh tế, thay khăn sắc thần, cúng thần, hát tuồng...
Đình Bình Thủy là di tích có giá trị nghệ thuật kiến trúc văn hóa cao, đây là nơi tập trung lòng tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Di tích này là trung tâm văn hóa cổ ở Nam bộ nơi từng là xứ đô hội và là nơi cường độ giao lưu văn hóa Việt Nam - Khơme - Hoa tương đối mạnh. Đình Bình Thủy là chứng tích lịch sử của buổi đầu ông cha ta khai cương thác địa vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Ngày nay, đất nước đổi mới, các lễ hội về nguồn càng được quan tâm sâu sắc nên đình Bình Thủy càng ngày được tổ chức long trọng chu đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc để hậu thế noi gương sáng các bậc tiền bối đã góp công khai hóa vùng đất Nam bộ. Điều này, chứng tỏ dân ta thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét